Tâm thế chịu đựng, hay hai câu chuyện giao tiếp đi về trên chuyến xe bus

Đấy là một nữ sinh viên năm thứ ba trường Luật, theo chuyên ngành Luật Hình sự. Cô í than buồn, và hỏi làm thế nào để hết buồn, rồi nói thêm rằng mình không hiểu tại sao cứ hay buồn như thế…

Xe bus số 12 chạy qua phố Chùa Bộc. Vừa nghe tôi thử chia sẻ cái nhìn dè dặt về vụ việc, cô gái tóc bờm đuôi ngựa mạnh khỏe này vừa bấm điện thoại để đọc và trả lời tin nhắn. Tôi lưu ý về chuyện không tập trung song đồng thời cũng cho cô í biết là tôi chẳng phiền lòng lắm đâu vì lúc này, trên xe bus, tôi thực sự chỉ quan tâm đến những gì cô í kể lể (nỗi buồn mơ hồ, lo thi cử đến độ khó học được, nhớ nhà, bạn bè). Thiệt tình, tôi không hề có sẵn câu trả lời cho thắc mắc nêu ra, và bản thân âm thầm chấp nhận bất kỳ thái độ nào cô í biểu tỏ.

Hết Tôn Thất Tùng, băng sang Lê Trọng Tấn, xe bus rẽ vào Trần Điền nhắm tới điểm đỗ Bệnh viện Bưu Điện. Đây là nơi cả cô gái và tôi tình cờ ngồi bên nhau cùng xuống xe. Sau khi nhắc tôi bước xuống trước bậc thang cấp, cất lời băn khoăn liệu tôi có trễ giờ hẹn (tôi cho cô í biết mình đang trên đường thường kỳ đến gặp một trường hợp cần tham vấn tâm lý), nữ hành khách nhanh nhẹn còn không quên dừng lại nhìn tôi: “Chúc chú thành công!”

… Xong phiên làm việc căng thẳng, khi tôi đang tranh thủ thư giãn bằng cách thong thả đếm bước đi bộ cho đến bến đợi xe quay về thì thoáng trông thấy nữ sinh viên Luật khoa. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện về nỗi buồn không rõ lý do và sự lo lắng cho kỳ thi cử sắp tới; về sự kỳ thị con gái vùng miền này nọ; cảm giác dễ dàng khi trao đổi với bạn cùng sở thích, hoàn cảnh xuất thân,…

Cô sinh viên trường Luật chuyển tuyến tại bến Bể bơi Thái Hà. Vẫy tay kín đáo chào cô, tôi kịp ghi nhận đôi chân mang dép tổ ong (giời ạ, tôi vốn chúa ghét ai đó ra đường với dép lê).

Đầu tôi ngắt mạch cuộc gặp vô tư, ưu tiên lắng nghe nhịp thở vào ra. Xe bus chiều cuối tuần không quá chen chúc, tiện dịp nhìn ngắm cảnh vật bên đường và thoải mái quan sát khách lên xuống bến.

Một cô gái trẻ dong dỏng cao, khoác túi xách da tiến vào hàng ghế sau lưng. Trên tay cô cầm một cánh hoa hồng hàm tiếu, khuôn mặt nở nụ cười phơn phớt. Mắt cô ngắm nghía mải cành hoa giờ đã đặt nằm trên túi xách; nghĩ ngợi sao đó, cô dùng tay ngắt ngắn nó cho bằng được, rồi mở khóa túi xách…

Lặng im xuống cùng bến Bộ Y tế ở Giảng Võ, tự dưng tôi liên tưởng ngay tới câu chuyện bàn cãi khi giới trẻ khóc vì hâm mộ thần tượng K-pop; cả lá thư papa và đáp từ của đứa con ‘cuồng’ gửi bố mẹ.

Cơ chừng, người trẻ bây giờ có vẻ biết cách hưởng thụ lợi thế tuổi tác và thích sống nghiêng theo hướng chiều chuộng cảm xúc cá nhân; dẫu vậy, điều đó không có nghĩa họ đích thực định dạng, thấu hiểu và kiểm soát tốt tâm trạng, cảm xúc của chính mình.

Tôi hơi băn khoăn về chút rác cô gái đỏm dáng (kịp soi gương chỉnh đốn tác phong trước khi xuống bến) để lại trên ghế ngồi xe bus.

Chọn lối ứng xử cởi mở, chân thành và nhẫn nhịn khi giao tiếp đi kèm ý thức sáng rõ là mình tuyệt không muốn can thiệp chút nào vào những suy tư, hành động của hai cô gái trẻ giúp tôi hiểu thêm rằng mình tự nguyện ít nhiều nhận lấy đôi chút bực dọc (tôi rất ghét ai xả rác bừa bãi), và càng khiến bản thân nên chấp nhận một sự thật nữa là mình chưa thôi hết đánh giá khi nhìn thấy người khác mang dép lê ra đường.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top